“Làng quan họ quê tôi, tháng giêng mùa hát hội
Những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làng bao xanh
Ngang lưng làng quan họ xanh xanh…”
     Chắc hẳn khi đọc những dòng chữ trên, trong đầu mỗi người con Kinh Bắc đều vang lên một giai điệu trong sáng mà cũng rất tình, quen thuộc đến độ tưởng chừng như đã ngấm vào hơi thở, vào cả một miền ký ức tuổi thơ. Đó là những câu hát trong làn điệu dân ca quan họ đã nổi danh truyền đời từ thế hệ này tới thế hệ khác: “Làng quan họ quê tôi”. Những câu hát đưa chúng ta đến một miền đất nên thơ hữu tình, đưa chúng ta về với thanh âm trong trẻo, về với khung cảnh duyên dáng áo tứ thân, yếm đào, nghiêm cẩn áo the, khăn xếp,.. và như có điều gì thôi thúc ta phải tìm hiểu về nó, về loại hình dân ca quan họ, tìm hiểu về thứ lời ca, tiếng hát dung dị và thấm đượm tình người.
      Nói đến quan họ, là nghĩ tới Bắc Ninh – xứ sở đã hình thành và phát triển loại hình nghệ thuật này, dân ca quan họ như một người bạn đời, và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người và cảnh vật nơi đây. Ra đời từ rất lâu về trước, có ý kiến cho rằng quan họ có từ thế kỷ 11, số khác cho rằng từ thế kỷ 17, và thậm chí ngay cả những người con bản địa, sinh ra và lớn lên ở nơi đây, được ông bà, cha mẹ truyền lại những lời ca quan họ quý giá, vẫn không thể chắc chắn dân ca quan họ Bắc Ninh có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, lời ca, tiếng hát ấy là niềm tự hào, say mê của những người con Kinh Bắc, là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa cốt lõi của một vùng đất ngàn năm văn hiến.

   Từ lâu, dân ca quan họ đã được đánh giá là một loại hình nghệ thuật đạt tới trình độ cao về nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật lời ca và nghệ thuật âm