Với bất kì một loại hình nghệ thuật nào, yếu tố phục trang cũng đóng góp một phần quan trọng dẫn đến sự thành công của nó. Và Chèo cũng như vậy.
Như một lẽ thường tình, người xem sẽ bị thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên đối với trang phục của diễn viên. Một vở chèo hay không chỉ nằm ở câu từ, nhạc điệu, cách hát, cách diễn của diễn viên mà còn là sự đầu tư công phu về mặt trang phục. 
Trang phục trong sân khấu chèo không chỉ là một thành tố cấu tạo nên hình thức của một vở diễn mà còn dẫn dắt, định hình thẩm mỹ đối với người xem. Qua trang phục trong vở diễn, khán giả đã nhận thức được lịch sử, nhìn rõ sự phân tầng giai cấp qua các giai đoạn phát triển đất nước. Trang phục qua sân khấu chèo còn mang hơi thở văn hóa, đặc trưng tôn giáo, tín ngưỡng, môi trường sống của từng vùng miền, từng triều đại. Nếu ai đã từng xem qua trích đoạn “Thị Màu lên chùa” thì có lẽ sẽ không quên được hình ảnh cô Màu trong bộ trang phục sặc sỡ với yếm đỏ, cánh áo vàng, chiếc áo tứ thân hồng thắm, cách trang điểm diêm dúa cùng với điệu bộ lả lơi. Nhắc tới vẻ đằm thắm trong bộ áo tứ thân đoan trang nhã nhẵn, người xem không thể nào không nghĩ ngay tới nàng Trinh Nguyên đức hạnh với tình mẫu tử bao la. Hay phất phơ tà áo màu sắc với những nhánh hoa cài đầu đầy vẻ điên dại khiến người xem không thể lẫn đi đâu với nàng Vân trong trích đoạn chèo “Xúy Vân giả dại”.


Trang phục của sân khấu Chèo cũng là trang phục của đời thường được nâng cao. Tuy nhiên, nó không chỉ mang chức năng che thân hay làm đẹp đơn thuần mà nâng lên tầm nghệ thuật. Trang phục sân khấu chèo thể hiện giá trị hiện thực sâu sắc, là tấm gương phản chiếu trang phục đời thường nên đã mang chức năng phản ánh hiện thực khách quan. Nhìn vào trang phục của các diễn viên trên sân khấu, khán giả phần nào nhận ra được thân phận, giai cấp, nhân phẩm của họ. Ngoài ra, trang phục trên sân khấu chèo thấm đượm tính dân tộc. Nghệ thuật chèo là sản phẩm văn hóa tinh thần của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Nó mang ý nghĩa giáo dục đạo đức, nhân cách qua nội dung các tích trò lấy từ kho tàng truyện dân gian. Thông qua nghệ thuật trang phục trong biểu diễn, người ta nhìn thấy cội nguồn văn hóa của cả một dân tộc. Đó là màu sắc tươi vui của lễ hội được thể hiện qua những trang phục rực rỡ, là đường kim ngay ngắn của người phụ nữ Việt đảm đang, tần tảo gửi vào các bộ quần áo, là các hoa văn tinh tế được cóp nhặt từ bao đời. Tất cả đã tạo nên một bản sắc rất riêng. Hơn nữa, trang phục sân khấu chèo thể hiện cao giá trị thẩm mỹ. Trên sân khấu, trang phục phải toát lên thần thái của cái đẹp, phải sạch sẽ chỉnh chu. Cái rách, cái bẩn cũng phải là nghệ thuật.