Đối với bất kì một nghệ sĩ nào thì việc được đứng trên sân khấu đều sẽ là một niềm vinh dự. Việc đứng trên sân khấu không chỉ để khẳng định chính bản thân người nghệ sĩ mà còn là cách để lưu giữ loại hình nghệ thuật đó…
Chèo đến với chúng ta từ thế kỉ thứ 10, cùng dân tộc ta trải qua bao sóng gió nhưng điều ấy cũng không thể ngăn được dòng chảy của thời gian. Sự phát triển, sự hội nhập văn hóa đã vô tình làm những làn điệu Chèo dần không được biết đến rộng rãi trong giới trẻ hoặc có thể nói một bộ phận giới trẻ không còn quá mặn mà với các thể loại âm nhạc truyền thống. Đó cũng là nỗi lòng của những nghệ sĩ chèo chân chính – những người luôn muốn giữ lấy cái hồn, cái cốt dân tộc.
Trăn trở trong việc gìn giữ làn điệu truyền thống, nhiều những nghệ sĩ chèo vượt qua khó khăn, quyết không rời xa nghiệp Tổ như lời một nhân vật trong vở kịch “Đường trường duyên phận” (Tác giả : Trần Đình Văn, Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng):
“Con đã trót mang niềm yêu tha thiết
Tiếng hát chèo như máu thịt tâm can”
Trong sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí hiện đại khác, những nghệ sĩ chèo tâm huyết đã nỗ lực tìm mọi cách để chèo tồn tại và khán giả quay lại với chèo. Những vở diễn được đầu tư công phu, hoành tráng của Nhà hát Chèo Hà Nội, những tác phẩm tập trung đi sâu vào chinh phục đỉnh cao nghệ thuật của Nhà hát Chèo Việt Nam với những buổi công diễn như “Chiếu Chèo” ngày 23/08/2019 hay vở Chèo cổ “Kim Nham” – Thông điệp nhân văn được công chiếu vào ngày 30/08/2019, những nỗ lực dàn dựng vở mới của Nhà hát Chèo Quân đội... là những minh chứng cho việc các nhà hát chèo đang cố gắng để chèo có đông khán giả hơn.
Những dự án như "Sân khấu học đường", "Chèo 48h"... là những hoạt động vô cùng ý nghĩa mà các nghệ sĩ chèo kết hợp với nhà trường, các tổ chức xã hội nhằm lan tỏa tình yêu nghệ thuật chèo đến các em nhỏ, xây dựng đội ngũ khán giả kế cận, hiểu và yêu chèo. Chính những cuộc thi, những câu lạc bộ dưới sự
dẫn dắt nhiệt tình của các nghệ sĩ đi trước đã khiến cho Chèo dần có những bước chân đến gần hơn với những người trẻ.
Sau những thế hệ như Đạo diễn Lê Tuấn Cường, NSƯT Minh Phương, NSƯT Thu Huyền, nhà viết kịch Phạm Văn Quý,… Chèo sẽ được giao cho những người trẻ, những người xứng đáng được tín nhiệm mang trong mình trọng trách gìn giữ và quảng bá Chèo đến với những thế hệ trẻ hơn, mang trong mình trọng trách giữ cho những sân khấu Chèo đỏ đèn…