Liên hoan hát văn, hát chầu được diễn ra tại đền Lảnh Giang, thành phố Hà Nam vừa khép lại mở ra nhiều suy nghĩ cho những người yêu mến âm nhạc truyền thống gắn liền với nghi lễ, tín ngưỡng đậm chất Việt.


Liên hoan trong 4 ngày tổ chức 5-8/9 đã thu hút đông đảo lượng người tham gia trải khắp nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam kể đến Hà Nội, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Nam Định,… xa nhất là Gia Lai, Phú Yên. Liên hoan trở thành ngày tụ hội của những người yêu hát chầu văn trên cả nước khi thu hút tới 70 nghệ nhân, thanh đồng cùng với trên 500 đội ngũ hầu dâng, cung văn đến từ trung tâm văn hóa, câu lạc bộ thuộc 17 tỉnh thành trên toàn quốc. Điều đó, thể hiện sức sống mạnh mẽ của bộ môn nghệ thuật này.
Nghệ thuật hát văn, hầu đồng gắn liền với tín ngưỡng đặc sắc của người Việt nhưng nghệ thuật này đôi khi bị đánh đồng với yếu tố mê tín dị đoan. Chính vì thế, việc tổ chức liên hoan với quy mô toàn quốc như này vừa để quy tụ những nghệ nhân mà còn đang góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống mà ông cha ta để lại, vừa là dịp để các câp văn hóa kịp thời có hiệu chỉnh và nhìn nhận hoạt động nghệ thuật hát chầu, hát văn.
Bên cạnh đó, một vài điều băn khoăn trong công tác chuyên môn của Liên hoan đó chính là cái tên của Liên hoan: “hát văn, hát chầu văn”  hai từ giống nhau liệu lặp lại có thừa? Hát chầu văn có thể hiểu là hát văn chầu thánh, nghĩa là chỉ có những giá văn được cung văn hát trong lúc các thanh đồng thực hành nghi lễ mới gọi là chầu văn. Trong khi, ở góc độ âm nhạc thì hát văn bao hàm rộng hơn thế vì nó chứa cả văn mới với nội dung đề tài phong phú, mở rộng như ca tình ngợi quê hương, đát nước, tình yêu con người với con người,… tức là hát văn dung để biểu diễn. Tuy nhiên, việc sử dụng tên gọi “ hát chầu văn” người nghe sẽ hiểu ở đây muốn nhấn mạnh hai chi tiết: một là trọng tâm âm nhạc, hai là các giá văn thực hành trong nghi lễ hầu đồng.
Đây phải là cuộc thi thố của những cung văn và những nghệ nhân , nghệ sĩ hát văn và những nghệ nhân , nghệ sĩ hát văn đặt lời mới nhưng điều đó chưa thể hiện được ở liên hoan. Thực tế tại liên hoan, các cung văn được  sắp xếp ở một vị trí bên cánh gà, trong khi ở trung tâm sân khấu  lại là các thanh đồng trình diễn nhập vai các vị thánh theo nội dung từng giá văn. Khi các thanh đồng là nhân vật trung tâm thì tiết mục không còn là hát chầu văn nữa mà là hầu đồng hoặc gọi cách khác là lên đồng, hầu bóng. Có nghĩa tên gọi của liên hoan chưa phản ánh đúng nội dung của liên hoan.
Ban giám khảo chỉ với 3 thành viên là nhà quản lý và nghệ sĩ chèo, không có một nghệ nhân hát văn am hiểu hay nhà nghiên cứu nằm trong thành phần này là một thiệt thòi cho hát văn. Hát văn rất phong phú về mặt thể hiện và sự sáng tạo, có thể chỉ có vài điệu chính nhưng các biến thể của nó thì rất phong phú, không hiểu sâu khi nghe rất khó phát hiện ra. 
Đây chỉ là một chi tiết trong rất nhiều chi tiết khác rất cần phát hiện và tôn vinh mỗi lần tổ chức liên hoan, để có sự ghi nhận kịp thời với nghệ nhân, nghệ sĩ có nỗ lực tìm tòi. Đồng thời để những người đang thực hành nghi lễ tín ngưỡng này học hỏi lẫn nhau, qua đó góp phần cho hoạt động hát văn ngày càng chất lượng và đúng hướng. Đó mới là điều cần thiết mà các liên hoan phải làm được.
Có thể nói, về công tác chuyên môn vẫn còn một vài hạn chế cần nhìn nhận và nhanh chóng có những chỉnh sửa, bổ sung cho hợp lý, kịp thời cho những lần tổ chức sau. Bởi lẽ, phải khẳng định việc duy trì tổ chức Liên hoan thường xuyên là cần thiết nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị nghệ thuật của loại hình hát Văn, hát Chầu văn. Qua hoạt động trình diễn này, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, kế thừa những giá trị văn hóa nghệ thuật hát Văn, hát Chầu văn - Di sản văn hóa dân gian, văn hóa tín ngưỡng cao đẹp của dân tộc trong giao lưu, hội nhập và phát triển. Liên hoan cũng là cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên gặp gỡ, học tập, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết giữa các địa phương, đơn vị.