Nghi lễ hầu đồng có rất nhiều tiết lễ. Thời điểm và cách thức hay quy mô của từng nghi lễ ở mỗi nơi đều không giống nhau và mang những ý nghĩa riêng. Và Chầu Văn luôn là một phần quan trọng không thể thiếu trong một giá hầu... 
Hầu đồng là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác ông Đồng bà Cốt. Trong nghi lễ đó, hát vǎn phục vụ cho quá trình nhập đồng hiển thánh. Sau khi đã múa các thánh thường ngồi nghe cung văn hát, kể sự tích lai lịch vị thánh đang giáng. Với các giá ông Hoàng thì cung văn ngâm các bài thơ cổ. Thánh biểu hiện sự hài lòng bằng động tác về gối và thưởng tiền cho cung văn. 
Chầu văn, còn gọi là chầu văn hay hát bóng, là một thể hát do cung văn hát trong nghi thức hầu bóng lên đồng.. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Như vậy hát văn là một bộ phận quan trọng trong nghi lễ hầu đồng.
Về trang phục:
Trong một vấn hầu đồng có nhiều vị thánh xuất hiện nên cần có nhiều bộ khăn áo hầu đồng khác nhau, tương ứng với các giá. Trong một giá chầu, trang phục đẹp sẽ tạo nên sự thăng hoa cho thanh đồng cũng như những người tham dự buổi lễ. Trang phục của các giá Chầu Bà thường rất đẹp vì đó là hóa thân của các Mẫu. Trang phục của các giá Quan Lớn, Quan Hoàng vô cùng uy nghi, đẹp đẽ giống trang phục các vị quan trong triều. Phong phú nhất là trang phục hàng Thánh cô, mỗi cô lại có nét trang phục khác biệt. Sang phủ các Thánh cậu thì đơn giản hơn.

Trang phục của cung văn có thể mặc áo dài, áo tứ thân, váy áo lịch sự… Trang phục của người hát văn không cầu kỳ, lộng lẫy như trang phục của Thanh Đồng.


Về thành phần tham gia:
Hầu đồng thường bao gồm: người đứng giá hầu đồng gọi chung là Thanh Đồng, Thanh Đồng là nam giới thì được gọi là "cậu", nữ giới được gọi là "cô hoặc bà đồng". Thường có hai hoặc bốn phụ đồng đi theo Thanh Đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt...Một cung văn là người tấu nhạc phục vụ buổi lễ. Ngoài ra, các thành phần ngồi xem buổi hầu là các cử tọa. Những người này thường là con nhang đệ tử, thường thể hiện lòng tôn kính các vị thánh mỗi khi giáng ngự, hòa theo điệu múa hát và được Thánh ban lộc.
Chầu văn do cung văn thể hiện ngồi một bên mé trong khi người hầu bóng, gọi là đệ tử thánh, ngồi trước bàn thờ ca, tiếng nhạc của cung văn nhằm mời gọi các vị Thánh về. Hát văn làm cho buổi lễ sống động. Những người hát văn vừa chơi nhạc cụ vừa thay nhau hát trong một vấn hầu thường kéo dài từ 4-8 tiếng.
Chầu văn sử dụng các nhạc cụ chính gồm đàn nguyệt, trống ban (trống con), phách, cảnh, thanh la, ngoài ra còn sử dụng nhiều nhạc cụ khác như: trống cái, sáo, đàn thập lục, đàn nhị, kèn bầu, chuông, mõ, đàn bầu,.
Về trình tự:
Trình tự một giá hầu đồng bao gồm lần lượt: lên khăn áo, múa lễ, phán truyền và thăng, âm nhạc (hát chầu văn)
Trình tự một nghi lễ hát chầu văn lên đồng có thể chia thành bốn phần chính lần lượt là: mời thánh nhập, kể sự tích và công đức, xin thánh phù hộ, đưa tiễn.
Nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu hay còn gọi là hầu đồng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Và đang ngày càng phát triển trong xã hội nước ta. Cần phải phân biệt rõ các khái niệm trong nghi thức thờ Mẫu này để tránh nhầm lẫn từ đó tránh gây hiểu nhầm tạo nên những biến tướng không đáng có trong nghi thức này.