Ngày nay, nhiều người đổ xô đi học hát chầu văn theo trào lưu vì kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, lề lối cổ xưa, chuẩn mực của không gian hát chầu văn hay niêm luật, thể điệu của ông cha truyền lại dường như đã không còn.

Không khó để nhận thấy, trong các buổi biểu diễn, công diễn Chầu văn, dưới hàng ghế khán giả và ngay trên sân khấu với các cung văn, thanh đồng không hiếm những bạn trẻ ở thế hệ 8x, 9x. Phải chăng Chầu văn không khó để tìm thế hệ tiếp nối và sự quan tâm của khán giả. Thế nhưng để Chầu Văn đích thị là Chầu văn thực sự không phải là điều dễ dàng.
Không ít người đã làm Chầu văn đi chệch với giá trị vốn có của nó bằng cách thương mại hóa, trục lợi, cá nhân. Chầu văn, còn gọi là chầu văn hay hát bóng, là một thể hát do cung văn hát trong nghi thức hầu bóng lên đồng.. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Như vậy hát văn là một bộ phận quan trọng trong nghi lễ hầu đồng. Song song với đó là việc một số những thành phần xấu lợi dụng sự linh thiêng để hòng trục lợi cá nhân, mê tín dị đoan, cuồng tà, làm mất đi giá trị cốt lõi của hình thức.
Nguồn ảnh: gianganh.net
Với sự đề cao những mô hình nhịp điệu có chu kỳ, âm nhạc Hát văn giống như những vũ điệu của thánh thần, dìu dặt và mê hoặc lòng người. Cả cung văn cùng các con nhang đệ tử như tỉnh như say trong sự hòa quyện đồng điệu. Bên cạnh việc diễn tấu những khúc nhạc không lời với vai trò độc lập, đàn nguyệt có nhiệm vụ dẫn dụ giọng điệu và nâng đỡ cho lời ca tiếng hát. Giai điệu tiếng đàn, giọng hát Chầu văn có một sức quyến rũ đặc biệt. Dập dìu trên nền nhịp phách lúc ẩn lúc hiện, nhiều làn điệu mang đậm tính trữ tình, như dáng vẻ của những gì ngọt ngào, mềm mại, thân thương, rất nữ tính của Thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tứ phủ. Dường như phần giai điệu là khó biến tấu nhất của hình thức này bởi những quy luật chặt chẽ mang tính linh thiêng và vì thế nó vẫn còn y nguyên, ít bị thay đổi so với ngày trước.
Người ta thường nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng rõ ràng trang phục là một phần không thể thiếu trong nghi thức hát Chầu văn. Với sự đơn giản cùng điều kiện không cho phép, trang phục hát văn xưa thường rất đỗi bình thường chỉ là chiếc áo dài, còn lại các giá thánh đều được biểu lộ bằng chiếc thắt lưng các màu để biểu hiện cho các thánh mẫu. Thế nhưng cũng không nằm ngoài quy luật biến đổi, trang phục giờ đây màu sắc hơn, phong phú và đa dạng, hoa văn, thông thường các áo mẫu, chầu đều thêu cửu phượng, áo các quan thêu rồng, hổ phù, áo các ông hoàng thêu phúc - lộc - thọ. Đôi khi còn có cả sự tùy hứng trong trang phục vì sở thích cũng như cái tôi của người hát làm mất đi sự chuẩn mực trong nghi thức Chầu văn.


Có thể nói, trong những năm trở lại đây, nghi thức hát Chầu văn, thờ Mẫu hay hầu đồng đang ngày càng trở nên phổ biến, thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Thế nhưng vấn đề đặt ra ở đây lại là giữ nguyên nét hoang sơ, chuẩn mực của nghi thức chứ không phải là biến tấu, làm mất đi giá trị của Hát văn để đưa nó đến với mọi người một cách sai lệch. Hãy để Hát văn chính là nó, lưu truyền qua nhiều thế hệ với đúng giá trị mà ông cha ta đã gửi gắm…