Gắn liền với tín ngưỡng Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, Hát văn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phụ trợ, kích thích sự thăng hoa, giao cảm giữa con nhang đệ tử với thế giới thần linh. Đây là mối quan hệ hữu cơ giữa một thể loại âm nhạc và một hình thức tín ngưỡng. Nghệ thuật âm nhạc dường như là một thứ phương tiện không thể thiếu khi con người muốn giao tiếp với thánh thần.. Hát văn có những đặc trưng riêng có về cấu trúc, giai điệu, trang phục, không gian,… Chính bởi sự đặc biệt nay mà hát văn luôn mang trong mình những nét rất riêng mà ta không thể nhầm lẫn với các loại hình khác.


Về cấu trúc
Các thể hát văn và giai điệu cùng phần lời trong hát văn được phổ từ thơ ca dân gian. Đôi khi vay mượn cả trong các tác phẩm văn thơ và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, bốn chữ. Các bài văn hát thường sắp xếp như một câu chuyện về xuất xứ của các vị thánh và tôn vinh công đức, kỳ tích của ngài. Câu văn tuy có vần điệu, niêm luật không chặt chẽ như một bài thơ nhưng khi đọc lên mọi người đều cảm nhận được chất thơ của bài văn.
Về giai điệu
Do tính ngẫu hứng về trường độ và cao độ, giai điệu và âm tiết của hát văn nên việc hát đồng ca tập thể của loại hình nghệ thuật này rất khó. Đây chính là một hiện tượng độc đáo trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Với hát văn nhiều thể loại, bài hát được tồn tại dưới dạng ngẫu hứng của một nghệ nhân trên cơ sở nguyên bản
Giai điệu của hát văn khi thì mượt mà, hấp dẫn, khi lại dồn dập, khoẻ khoắn vui tươi. ca từ trong các bài văn rất chân thực, nó miêu tả khá rõ ràng về tích các vị thánh, về các địa điểm, hoạt động, tính cách của chư vị thánh thần.
Trong hát Chầu văn nói riêng và các loại hình nghệ thuật âm nhạc khác nói chung thường có những làn điệu đặc trưng với nhiều nét độc đáo, phong phú. Có rất nhiều cách chia, cách sử dụng các làn điệu khác nhau. Nhưng tựu chung lại, trong hát văn hầu bóng các làn điệu được chia thành bốn nhóm làn điệu chính.
  1. Làn điệu Dọc, có tính chất âm nhạc khúc chiết, kết cấu rõ ràng. Về cấu trúc âm nhạc, thường thì các điệu dọc bao gồm hai câu, một câu đóng vai trò như một câu hỏi, câu hai như một câu đáp. Làn điệu này thể hiện sự phóng khoáng đĩnh đạc và giàu chất thơ. Các làn điệu dọc thường
    1. được hát với nhịp độ vừa phải. Làn điệu dọc thường sử dụng tiết tấu đảo phách, âm hình đơn giản: đen, đơn, kép,…
    2. Làn điệu Cờn, làn điệu Cờn là một trong nhóm làn điệu xuất hiện khá nhiều trong hát văn, đặc biệt là văn hầu bóng. Làn điệu Cờn mang tính chất âm nhạc trữ tình, tự sự, với giai điệu mượt mà dễ đi vào lòng người. Nhóm làn điệu Cờn được diễn tấu trên nhịp đôi biểu hiện tính chất duyên dáng, đượm vẻ man mác buồn, thích hợp với các giá Thánh nữ miền xuôi. 
    3. Làn điệu Phú, Phú nói thể kéo dài liên tục. Phú nói trong hát văn chịu ảnh hưởng từ điệu hát nói của ca Trù. Phú nói mang tính chất trang trọng, cao sang, khoan thai, đĩnh đạc phù hợp với các tính cách chững chạc, điềm đạm của các vị Thánh nam thần. Phú nói được thể hiện trên nhịp ba, đàn nguyệt lên dây bằng, tốc độ chậm rãi, khoan thai.
    4. Làn điệu Xá. Nếu làn điệu Phú được hát chủ yếu trên nhịp ba, các làn điệu Dọc, Cờn trên nhịp đôi thì Xá được hát trên nhịp một. Có thể thấy làn điệu này thường có tiết tấu nhanh, vui tươi mang tính chất trữ tình với nhịp điệu tự do hay thay đổi và có sự đảo phách về tiết tấu. Đặc trưng của làn điệu Xá là cụm từ “ a…a…”, tạo người nghe cảm giác thoải mái.
    Ngoài ra trong hát văn trong các giá hầu còn có một số làn điệu như Kiều bóng, Kiều dương, Lưu không, Bỉ, bài Sai, Chèo đò, Lý thiên thai…
    Về trang phục 
    Đối với các cung văn phục vụ trong các buổi lễ hầu đồng, trang phục của họ thường rất đa dạng và phong phú. Khác biệt với các loại hình âm nhạc cổ truyền khác ở chỗ trang phục khi biểu diễn hát văn không theo một quy chuẩn nhất định. Trang phục của cung văn có thể là những bộ cánh truyền thống, những tà áo dài, những tấm áo tứ thân hoặc cũng có thể là những trang phục thường ngày. 
    Đối với thời xưa, các cung văn sẽ thường mặc những tà áo dài truyền thống hoặc áo tứ thân trong các buổi lễ. Sau một thời gian dài phát triển, cho tới thời điểm hiện tại, trang phục của các cung văn khi biểu diễn cũng có nhiều sự thay đổi. Không nhất thiết phải lựa chọn áo dài hay một trang phục truyền thống nào đó mà các cung văn cũng có thể lựa chọn cho mình những bộ thường phục lịch sự, kín đáo. Dù là trang phục gì thì điều cuối cùng hướng đến đó chính là sự thành tâm, thành ý trước trốn linh thiêng.
    Về nghi lễ
    Trình tự thực hiện nghi lễ hát chầu văn phục vụ hầu đồng có thể chia thành bốn phần chính:
    1. Mời thánh nhập
    2. Kể sự tích và công đức
    3. Xin thánh phù hộ
    4. Đưa tiễn 
    Bài hát thường chấm dứt với câu: "Thánh giá hồi cung!".
    Hát văn không chỉ khó mà còn đòi hỏi người cung văn phải nhanh, linh hoạt để vừa có thể chuyển lời, giọng và nhạc cho ăn khớp mà vẫn hay, vẫn sát vai của người ngồi đồng. Thậm chí phải hát lặp lại, luyến láy, kéo dài câu ca, tiếng nhạc trong thời gian chuyển tiếp giữa hai giá hầu. Khi hát, cung văn phải hát sao cho thể hiện tâm lý tình cảm của các nhân vật nên giọng hát phải chuyển đổi luôn luôn.
    Nghe hát văn, dường như chúng ta có thể tìm thấy sự phát triển tột bậc cả về làn điệu âm nhạc cũng như hệ thống kỹ thuật biểu cảm của nhạc thanh. Cảm nhận được rằng khó có một thể loại âm nhạc tôn giáo tín ngưỡng nào ở Việt Nam lại đạt được tầm cao về tính thẩm mỹ nghệ thuật như Hát văn.