Có lịch sử hình thành từ thế kỉ thứ 10 dưới thời Nhà Đinh, Chèo là một loại hình nghệ thuật tổng hợp gắn liền với sinh hoạt đời sống hội hè của người Việt. 
“Trăm nghe không bằng một thấy”. Chất trí tuệ cùng sự đặc sắc của chèo phải đến tận các chiếu Chèo, các vở diễn mới thực sự là mục sở thị. Là một trong những loại hình âm nhạc lâu đời, giai điệu của của các làn điệu Chèo thường rất tự nhiên, dân dã với ngôn ngữ bình dân của người Việt. 
  • Về nội dung: 

 Không giống với Tuồng chỉ ca tụng những anh hùng, những người cao quý, Chèo còn miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn, ca ngợi những phẩm chất cao cả của con người. Nội dung của các vở chèo lấy từ những truyện cổ tích, truyện Nôm; được nâng lên một mức cao bằng nghệ thuật sân khấu mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc. Trong chèo, cái thiện thường thắng cái ác, các sĩ tử tốt bụng, hiền lành, luôn đỗ đạt, làm quan còn người vợ thì tiết nghĩa, cuối cùng sẽ được đoàn tụ với chồng. Các tích trò chủ yếu lấy từ truyện cổ tích, truyện Nôm; ca vũ nhạc từ dân ca dân vũ; lời thơ chủ yếu là thơ dân gian. Lối chèo thường diễn những việc vui cười, những thói xấu của người đời như các vai: Thầy mù, Hương câm, Đồ điếc, Quan Âm Thị Kính. Ngoài ra chèo còn thể hiện tính nhân đạo, như trong vở Trương Viên. Chèo luôn gắn với chất "trữ tình", thể hiện những xúc cảm và tình cảm cá nhân của con người, phản ánh mối quan tâm chung của nhân loại: tình yêu, tình bạn, tình thương

  • Về trang phục:

 Không có một quy chuẩn rõ ràng nào cho trang phục biểu diễn trong nghệ thuật chèo bởi lẽ với mỗi một nhân vật với tính cách, nhân phẩm, xuất thân mà trang phục được lựa chọn sao cho phù hợp. Ví dụ nhìn diễn viên với chiếc áo nâu, váy đụp sờn rách, vá víu được may bằng vải chúc bâu, ta có thể đoán được họ là những nông dân nghèo nơi tầng đáy xã hội, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, như những anh Nô, mẹ Đốp… 


Related image
Các quan viên trong bộ áo dài lụa, là lượt phẳng phi, họ là những nhân vật có chức sắc, giàu có, cao sang như: lý trưởng, chánh tổng, hương hào…Hình ảnh chiếc yếm đỏ, áo cánh vàng, chiếc áo tứ thân hồng thắm khiến người xem không thể không liên tưởng tới cô Mầu với nét hồn nhiên tươi tắn, sự lẳng lơ đã được nghệ thuật hóa. Trang phục trong sân khấu Chèo không chỉ là một thành tố dẫn đến sự thành công của các vở diễn mà còn dẫn dắt, định hình thẩm mỹ đối với người xem. Trang phục chèo có giá trị thống nhất đồng bộ, trang phục tô điểm cho nghệ thuật biểu diễn của diễn viên, là yếu tố hỗ trợ, nâng tầm diễn viên không lấn sân, làm hộ, hay tệ hơn là trói tay, trói chân diễn viên. Thiết kế trang phục phải đặc biệt chú trọng đến đặc điểm tính cách nhân vật, ngoại hình diễn viên, không gian bối cảnh để hài hòa với toàn bộ các yếu tố mỹ thuật sân khấu.

  • Về nhạc cụ:

 Góp phần tạo nên sự thành công của bất kì một thể loại âm nhạc không thể thiếu vắng được các loại nhạc cụ. Dàn nhạc Chèo cấu tạo theo kiểu dàn nhạc màu sắc, truyền thống mỗi cây đàn có một màu sắc riêng, có lối diễn tấu và sức truyền cảm riêng. Các nhạc cụ được cấu trúc theo xu hướng gần gũi với giọng người. Âm thanh mỗi nhạc cụ thể hiện tiếng nói riêng, vang lên trong không gian huyền bí của sân khấu như lời mời, gọi người nghe; cái trước, cái sau, khi hoà quyện, lúc tách nhánh, chuyển động nhịp nhàng theo nội dung vở diễn. Một dàn nhạc Chèo bao gồm rất nhiều bộ: bộ dây, bộ hơi, bộ gõ… Trong các bộ thì bộ gõ với Trống Đế đóng vai trò quan trọng nhất trong dàn nhạc. Các cụ có đâu “Phi trống bất Chèo” cho thấy vai trò của bộ gõ nói chung và tiếng trống nói riêng trong sân khấu Chèo truyền thống. Với việc kết hợp hài hòa giữ các nhạc cụ như đàn Nguyệt, đàn Tam, đàn Bầu, Trống Đế, trống Ban, La thanh, mõ… sân khấu Chèo có cách thể hiện hài hoà về âm nhạc giữa cái hài, cái hùng và cái bi, chứ không quá bi hùng như sân khấu Tuồng hay bi luỵ như sân khấu Cải lương.
  • Làn điệu Chèo:

 Trường tồn theo năm tháng, số lượng làn điệu chèo cũng ngày càng tăng lên . Theo ước tính có khoảng trên 200 làn điệu chèo cổ, chủ yếu được hình thành và bắt nguồn từ các làn điệu dân ca, ca dao, thơ giàu chất văn học đằm thắm trữ tình... Ngoài ra, theo dòng thời gian, trong bối cảnh làm nghề bộn bề những khó khăn ấy vẫn còn những nghệ sĩ quyết không rời xa nghiệp Tổ. Nhìn cách những nghệ sĩ chèo làm việc và cống hiến, ta hiểu được tình yêu sâu đậm của họ dành cho sân khấu. Và bản thân những nghệ sĩ ấy cũng thừa nhận đã yêu chèo thì dù khó khăn, gian khổ mấy cũng không bỏ chèo mà đi được như lời một nhân vật trong vở kịch "Đường trường duyên phận" (tác giả: Trần Đình Văn, Nhà hát chèo Việt Nam dàn dựng): "Con đã trót mang niềm yêu tha thiết/ Tiếng hát chèo như máu thịt tâm can"... Nếu ai có một chút tìm hiểu hay thích thú với âm nhạc truyền thống thì những vở chèo như Quan Âm Thị Kính của Vũ Khắc Khoan, trích đoạn Xúy Vân giả dại trong vở chèo cổ Kim Nham , Nàng Sita của Lưu Quang Vũ cùng cha là Lưu Quang Thuận… không còn xa lạ và để lại nhiều ấn tượng cho những ai đã xem những vở kịch này. 
 Trên đây là một vài những nét đặc trưng về Chèo – một làn điệu truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hãy cùng đồng hành với Ai Ơi Nghe Ngày để biết thêm về Chèo cũng như các thể loại khác trong dự án về Âm Nhạc Truyền Thống, đưa những làn điệu cổ xưa đến gần hơn nữa tới các bạn trẻ và góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống Việt Nam.