Tín ngưỡng thờ đạo mẫu (trong đó có hát Chầu văn) vừa được quốc tế công nhận là di sản của thế giới- niềm tự hào của dân tộc ta.
Chầu văn (cùng một thể loại với hầu văn của miền Trung và rỗi bóng ở miền Nam) là sinh hoạt văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh người Việt cổ. Hát chầu văn hay còn gọi là hát văn, xưa kia chủ yếu lưu hành trong các nghi lễ thờ cúng ở đền miếu, phủ chùa tại miền Bắc. Nghệ thuật dân gian này mang màu sắc tín ngưỡng đậm nét nên có nhiều nghi thức lễ nhạc, mà nghi thức chủ đạo là lên đồng (còn gọi là hầu đồng hay hầu bóng).
Xưa kia, dân gian Việt Nam theo tín ngưỡng tứ phủ (thờ trời, đất, núi, sông) tin rằng nghi thức lên đồng giúp họ có thể giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng hay bà đồng. Hầu đồng không phải ai muốn làm cũng được bởi chỉ những người có cơ duyên đặc biệt mới được thần linh nhập hồn vào xác để ban phúc lộc cho người đời, trừ tà, chữa bệnh...
Các đối tượng chầu của chầu văn cổ truyền là những nhân vật trong tín ngưỡng tứ phủ gồm có Mẫu Thượng thiên (Mẹ trên trời, mặc áo đỏ), Mẫu Địa (Mẹ đất, mặc áo vàng), Mẫu Thượng ngàn (Mẹ núi rừng, mặc áo xanh lá cây), Mẫu thoải (Mẹ nước, mặc áo trắng), ngoài ra còn có các quan hoàng, các cô và các cậu.
Trên hết trong số các vị ấy là Đức Thánh Trần (tức Trần Hưng Đạo) và Bà Chúa Liễu Hạnh - hai nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam vào thế kỷ XVI và XIX. Từ đó, nhiều nhà nghiên cứu suy đoán rằng chầu văn có xuất xứ sớm nhất khoảng cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI, muộn nhất cũng vào khoảng từ cuối thế kỷ XVI. Đến nay, sau hơn ba trăm năm có lẻ, chầu văn đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhưng vẫn giữ được hồn Việt thuần nhất, mộc mạc, nhưng cũng rất đa diện, phong phú.
Dù từng có thời kỳ cực thịnh vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhưng từ sau năm 1954, chầu văn dần dà mai một vì những màu sắc tôn giáo, lễ nghi của hầu đồng bị xem là mê tín dị đoan. Nhờ cố gắng của nhiều người trân trọng nghệ thuật cổ truyền dân tộc, hiện nay chầu văn đã được khôi phục, trở lại vị trí xứng đáng trong di sản văn hóa Việt Nam. Từ vai trò như một nghi thức nhạc lễ ở đền miếu để con người giao tiếp với thần thánh, chầu văn đã bước vào sân khấu nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân.
Loại hình nghệ thuật này đòi hỏi cũng lắm công phu vì bao gồm cả ca, vũ, nhạc và lễ, thông qua lời hát, tiếng đàn của người cung văn mà hầu đồng mới có thể nhập đồng hiển thánh. Cung văn là những người vừa hát giỏi, vừa chơi nhạc khí hay và phải biết nhiều làn điệu để chuyển đổi linh hoạt, uyển chuyển cho phù hợp từng cảnh, từng đoạn trong buổi lên đồng.
Bên cạnh nhạc khí chủ đạo của cung văn là đàn nguyệt, còn có bộ gõ gồm trống, thanh la, thỉnh thoảng cũng có đàn nhị hoặc ống sáo. Nghệ thuật gõ thanh phách, thanh la và nhịp trống trong chầu văn rất tinh tế và độc đáo, đòi hỏi nhạc công phải có trình độ kỹ thuật điêu luyện. Chính vì vậy nên không khí, nhịp điệu trong hát văn ngược hẳn với không khí, nhịp điệu lúc bổng lúc trầm, ai oán não nuột của ca trù.
Âm nhạc chầu văn mang tính chất sôi nổi, náo động, cộng thêm tiếng trống phách, thanh la rộn ràng khiến cho buổi hầu đồng luôn tưng bừng, ồn ã. Do vậy, có thể xem hình thức diễn xướng dân gian này là một nghệ thuật tổng hợp, tinh tế và không thua kém gì những thể loại nghệ thuật bác học hiện đại.
Hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong nghi lễ lên đồng, mà còn được coi như hình thức ca nhạc dân gian vui tươi, lành mạnh. Sở dĩ như vậy là vì nét sinh hoạt cộng đồng này đan quyện cả yếu tố tín ngưỡng lẫn văn hóa và nhiều người nhìn nhận rằng chầu văn đã bước từ chốn thiêng ra cõi tục.
Từ việc chỉ phục vụ trong các điện miếu với đối tượng "lên đồng", ngày nay các làn điệu hát Chầu văn đã được khai thác phát huy trong cuộc sống mới. Bên cạnh giữ nguyên lời cổ, còn có lời hát mang nội dung mới, phục vụ rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, góp phần "khơi nguồn" trong toàn bộ nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam phong phú đa dạng.