1. Giai điệu 
Xẩm lấy các bài thơ của các nhà Nho làm lời và hát theo điệu ai oán, buồn thảm. Một nguyên nhân khiến các gánh xẩm thường chọn các bài về thân phận phụ nữ, thân phận con người vì phần lớn họ là người khiếm thị. Rồi họ nhận thấy gu thưởng thức của thị dân, những người nuôi sống họ thay đổi, nên họ nhanh chóng chuyển từ hát điệu buồn sang điệu vui tươi. Họ tự đặt ra lời hoặc chế lời mới dựa theo các bài thơ cũ.
2. Tiết tấu
Trước đây, vì nội dung chủ yếu là hát về thân phận con người nên xẩm có tiết tấu khá chậm rãi, não nề. Để phục vụ được những đối tượng khán giả luôn tất bật, xẩm đã thay đổi về cấu trúc cũng như tiết tấu: nhanh và gọn hơn. Biên chế dàn nhạc xẩm cũng được gia tăng và mở rộng, rôm rả hơn để sánh cùng âm thanh náo nhiệt của đường phố. 
3. Mục đích biểu diễn
Ngày xưa, xẩm chủ yếu là công cụ kiếm sống hoặc giải trí lúc nông nhàn của người nghèo, người khiếm thị. Cho đến gần đây, khi xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ thì nhu cầu lưu giữ những giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc được đặt ra như một yêu cầu bức thiết. Nhận thức được vấn đề đó, với phương tiện, điều kiện hiện đại, cùng đội ngũ những người làm nghề tâm huyết, có chuyên môn, công việc sưu tầm, bảo tồn và làm sống lại những giá trị văn hóa nghệ thuật xưa đạt được một số thành tựu.
4. Người biểu diễn
Cùng với những biến chuyển của xã hội, người biểu diễn xẩm không còn là một nhóm người nhỏ lẻ, xẩm ngày nay được trình diễn bởi đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản.
5. Địa điểm biểu diễn
Thuận theo dòng phát triển không ngừng của cuộc sống, ngày nay xẩm đã được biểu diễn trên những sân khấu được phục dựng trang trọng, không còn là ở bến xe, ga tàu, nơi chờ phà qua sông hay những góc chợ phố chợ quê. 
6. Quan niệm về xẩm
Xưa người ta thường nghĩ những hát xẩm là loại nhạc dành cho những người hành khất, đi ăn xin, nhưng thực tế, xẩm là môn nghệ thuật cứu rỗi con người, nâng đỡ con người lúc truân chuyên, lận đận, giúp đỡ họ cả về mặt tâm hồn lẫn phương kế mưu sinh. Ngày nay giá trị thật sự của xẩm đã được nhận ra và trở thành bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc, lâu đời, cần được bảo tồn và phát triển.