Văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc của Việt Nam không thể thiếu loại hình nghệ thuật hát chèo. Trong đó, hề chèo tưởng chừng là  “bình phong” trong mỗi vở chèo lại chính là “hồn vía” của chèo cổ.
Nghệ thuật sân khấu chèo là một trong những di sản văn hóa lớn của kho tàng văn hóa dân gian đất Việt. Chèo xuất hiện từ thời nhà Lý ( thế kỷ XI) mang đậm hơi thở dân gian và phản ánh cuộc sống đời thường của người dân. Nghệ thuật chèo tiếp tục sống và phát triển rực rỡ ở thời nhà Trần ( khoảng thế kỷ XIII). 
Đây là loại hình nghệ thuật dân gian có sự gắn bó mật thiết với người dân ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Không chỉ mang đến tiếng cười mà chèo còn khắc họa, miêu tả chân thực cuộc sống bình dị của người dân thuở bấy giờ. Đa phần, nội dung của các vở chèo lấy từ cốt truyện cổ tích, truyện Nôm và từ đo nâng lên một mức cao hơn là nghệ thuật sân khấu mang giá trị hiện thực và nhân văn sâu sắc.
Chèo chắt lọc và phát triển tính hài hước từ những câu truyện dân gian thông qua vai hề mang lại tiếng cười sảng khoái, niềm lạc quan, yêu đời cho khán giả. Ban đầu hề chèo chỉ đơn thuần mang tính chất mua vui cho khán giả. Nhưng đến thời Lê Mạt, hề chèo đã trở thành vũ khí đấu tranh giai cấp mạnh mẽ giữa giai cấp nông dân cùng khổ với giai cấp thống trị, bóc lột.
Theo thời gian, hề chèo trở thành nhân vật có tính cách riêng, đặc trưng riêng mang một hơi thở riêng. Mỗi khi xuất hiện hề luôn mang lại  tiếng cười cho khán giả những hàm chứa sau tiếng cười ấy lạ là bao ẩn ý sâu sắc. Đó như đại diện cho tiếng nói của người dân nghèo khổ, là tâm tư và nguyện vọng của những người ở đáy xã hội.
Trong nghệ thuật chèo, nhân vật hề thường được chia làm hai loại hề: hề áo ngắn và hề áo dài. Hề áo ngắn bao gồm hề Gậy và Hề Mồi. Hề Gậy là các chàng hề đồng lóc cóc chạy theo hầu các thầy trên đường thiên lý. Khi ra sân khấu thường mang theo gậy đường trường hoặc đòn gánh để gánh đồ nên gọi nôm na là hề Gậy. Còn hề Mồi là những nhân vật hầu hạ, sai vặt, điếu đám trong nhà hoặc lính canh trong phủ, tư dinh… Sở dĩ gọi là hề Mồi vì mỗi khi ra sân khấu nhân  vật này đều đem theo chiếc quần mồi bằng giẻ tẩm mỡ, tẩm dầu đốt sáng như đuốc. Bó đuốc còn thể hiện thân phận kẻ hầu hạ dùng chiếu sáng canh phòng, dinh thự hay đón quan ra đình.
Hề áo dài hay còn có tên gọi khác là hề tính cách. Những nhân vật này thường hả hê vui sướng, tự giễu cợt mình, tự lột mặt nạ bản thân và tự đẩy mình vào tình huống lố bịch như một trò hề. Loại hề này thể hiện với đủ mọi giọng điệu phong phú: giễu vui, đả kích, đùa bỡn hay nghịch ngợm, trêu chọc… với mục đích tự bôi bác mình.
Như vậy có thể thấy hề là nhân vật không thể thiếu và đã được khẳng định qua nhiều vở chèo truyền thống. Nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật cho rằng hề là một di sản phi vật thể trong chèo truyền thống.