Khi nhắc đến quan họ ta sẽ nhớ đến hình ảnh các liền anh, liền chị. Nhắc đến Hát Văn thì gắn liền với đó là hình ảnh các cung văn và ông đồng bà cốt. Còn khi ta nhắc đến Xẩm thì hình ảnh hiện lên đó là những người dân nghèo khổ. Đó cũng là nét đặc trưng riêng biệt khiến hát Xẩm luôn có một vị trí nhất định trong mỗi người dân Việt Nam.

Về nguồn gốc
Xẩm là một loại hình dân ca của miền Bắc Việt Nam, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Thời xưa, người hát xẩm thường là người khiếm thị đi hát rong kiếm sống, chính vì vậy mà hát xẩm còn được gọi là một nghề. Xẩm đa số được biểu diễn ở chợ, đường phố, nơi đông người qua lại chứ rất ít được biểu diễn ở những sân khấu lớn.
Hát Xẩm được hình thành khoảng thế kỷ thứ XIV. Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ XX, hát Xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo… Nhưng trên thực tế, hát Xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta, với lối kể tích sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là thời gian thịnh đạt nhất của hát Xẩm. Lúc này, không còn đơn thuần là loại hình giải trí lúc nông nhàn, Xẩm đã phát triển thành một nghề kiếm sống của người nghèo nơi thành thị và được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác.
link ảnh: http://www.music.edu.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=KE-CHUYEN-AM-NHAC/Ong-to-cua-nghe-hat-xam-693

Về nhạc cụ
Bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát xẩm chỉ gồm đàn nhịSênh tiền. Nhóm hát xẩm đông người có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnhphách bàn. Để thay cho đàn nhị truyền thống, có thể dùng đàn gáo. Đây là loại đàn được phát triển từ đàn nhị nhưng to và dài hơn, thích hợp khi đệm cho giọng trầm. Sênh dùng đệm nhịp cho hát xẩm có thể là sênh sứa (gồm hai thanh tre hoặc gỗ) hoặc sênh tiền (có gắn thêm những đồng tiền kim loại để tạo âm thanh xúc xắc). Ngoài ra, đàn đáy, trống cơm, sáothanh la cũng được sử dụng trong hát xẩm.
Về ca từ
Ca từ của xẩm chủ yếu là thơ lục bát, lục bát biến thể có thêm các tiếng láy, tiếng đệm cho phù hợp với làn điệu. Nội dung của các bài xẩm có thể mang tính tự sự như than thân trách phận, nêu gương các anh hùng, liệt sĩ hay châm biếm những thói hư, tật xấu... hoặc trữ tình. Những bài thơ thường được diễn ca trong hát xẩm như thơ Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Nguyễn Bính...
Phân loại và làn điệu
Xẩm có hai làn điệu chính là xẩm chợ và xẩm cô đào.
  • Hát xẩm chợ, điệu hát mạnh, những tiếng đệm, tiếng đưa hơi đều, nổi tiếng bằng lời hát chính và đệm đàn bầu hay nhị với sênh phách.
  • Hát xẩm cô đào thì điệu hát dịu dàng hơn, những tiếng đệm và tiếng đưa hơi lẫn vào lời chính, cốt giúp cho có nhiều dư âm và bắt khúc được dễ dàng. Hát xẩm cô đào đệm đàn đáy và sênh phách, không dùng đàn bầu và nhị".
Ngoài ra, xẩm còn sử dụng nhiều làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ khác như trống quân, cò lả, hát ví, ru em, quan họ, chèo,... hoặc ngâm thơ các điệu bồng mạc, sa mạc. Trên thực tế, cách gọi tên các loại xẩm không phải theo làn điệu mà theo một số tiêu thức khác:
  • Tên bài xẩm nổi tiếng: xẩm thập ân (theo tên bài xẩm ca ngợi công đức của cha mẹ), xẩm anh Khoá (theo tên bài thơ được hát theo điệu xẩm Tiễn chân anh Khoá xuống tàu của Á Nam Trần Tuấn Khải)...
  • Theo mục đích, nội dung bài xẩm: xẩm dân vận (được chính quyền khuyến khích sáng tác để tuyên truyền, vận động quần chúng)...
  • Theo môi trường biểu diễn: ngoài xẩm chợ và xẩm cô đầu (hay còn gọi là xẩm nhả tơ, xẩm ba bậc, xẩm nhà trò, xẩm huê tình) sau này còn có một dòng xẩm của Hà Nội gọi là xẩm tàu điện thường được hát trên tàu điện.
  • Theo địa phương: có hát xẩm Hà Nội, hát xẩm Ninh Bình, hát xẩm Bắc Ninh... Miền Trung và miền Nam cũng có thể loại hát xẩm tuy khác ngoài Bắc. Xẩm miền Trung lấy bài bản từ ca Huế trong khi miền Nam gọi là "nói thơ" chẳng hạn như "nói thơ Lục Vân Tiên".
Nét đặc trưng riêng biệt
Một trong những chức năng vô cùng độc đáo của nghệ thuật hát Xẩm là một kênh truyền thông bằng tiếng hát rất hữu hiệu. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Xẩm địch vận đã xuất hiện và phát huy vai trò tích cực của mình.
Để động viên tinh thần đấu tranh anh dũng của các chiến sĩ trong trận tuyến quyết giữ mạch máu lưu thông cầu Hàm Rồng, nghệ nhân Xẩm Minh Sen (Thanh Hoá) đã ôm cây đàn nhị đi khắp mọi nơi trên mặt trận để mang những lời ca hóm hỉnh, mang lại tiếng cười sảng khoái cho các chiến sĩ. Rồi nghệ nhân Xẩm đất Ninh Bình là bà Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là người đàn bà hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ XX, tuy không hề biết đến mặt chữ, nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ đã sáng tác ra bài Xẩm “Theo Đảng trọn đời” theo điệu thập ân với những câu thơ: “Vững tâm theo Đảng nghe con/ Đạp bằng sóng gió sắt son lời thề”. Hay nghệ nhân Vũ Ðức Sắc với bài “Tiễu trừ giặc dốt” hưởng ứng Phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động...
Có thể nói, một thời gian dài, hát Xẩm đã là món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Nó đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình huynh đệ cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời…